Trang phục dân tộc

Trang phục dân tộc

Trang phục dân tộc Thái


Người Thái ở Sơn La cư trú chủ yếu ở vùng thấp, ở khắp các huyện, thành phố. Người Thái có hai ngành: Thái trắng và Thái đen.

Trang phục của phụ nữ Thái được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng và thanh lịch. Một bộ trang phục phụ nữ truyền thống gồm: áo, váy, khăn, thắt lưng, xà cạp và các loại trang sức.

Áo cóm được may bó sát người, với hàng khuy bạc hình các con côn trùng tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, sự trường tồn của nòi giống. Chiếc váy dài màu đen cùng với áo cóm tạo nên sự mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ Thái. Thắt lưng bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lam, hồng hoặc tím sẫm, vừa để giữ váy, vừa tạo điểm nhấn cho bộ trang phục. Khăn Piêu là vật dụng bất ly thân của người phụ nữ Thái, dùng để quàng cho ấm về mùa đông, đội cho mát về mùa hè, chiếc Piêu còn là vật để làm tin trong tình yêu đôi lứa, thể hiện sự khéo léo chăm chỉ của những cô gái Thái. Phụ nữ Thái đeo nhiều đồ trang sức, vừa để làm đẹp, vừa thể hiện sự cao sang. Nếu muốn phân biệt phụ nữ hai ngành Thái, có thể nhìn vào trang phục. Phụ nữ Thái trắng với chiếc áo cổ thấp hình chữ V, tóc được búi sau gáy; phụ nữ Thái đen với chiếc áo cổ cao, đầu đội khăn Piêu, khi có chồng tóc được búi lên đỉnh đầu.


Trang phục nam giới gồm: áo, quần, thắt lưng và các loại khăn. Áo nam giới có hai loại, áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải chàm, kiểu xẻ ngực, tay dài hoặc ngắn, cổ tròn. Khuy áo làm bằng đồng hay tết thành nút vải. Áo không có trang trí hoa văn chỉ trong dịp trang trọng người ta mới thấy nam giới Thái mặc tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló đôi quả chì (mak may) ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo.

Trang phục dân tộc Mông


Người Mông cư trú chủ yếu ở vùng cao các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Thuận Châu, Yên Châu…

Người Mông ở Sơn La có 03 ngành: Mông hoa, Mông đen và Mông trắng. Trang phục của đàn ông tương đối giống nhau nhưng trang phục phụ nữ có sự khác biệt rất rõ nét. Phụ nữ Mông hoa mặc áo may theo lối xẻ nách, cài cúc cạnh, trang trí nhiều hoa văn ở nẹp áo và tay áo; chiếc váy xòe rộng với hàng trăm nếp gấp được trang trí hoa văn bằng nhiều phương pháp: In sáp ong, thêu chỉ màu, ghép vải màu… tạo chiếc váy màu sắc sặc sỡ, đậm bản sắc. Phụ nữ Mông hoa đội tóc thành vành to trên đầu. Phụ nữ Mông đen mặc áo may theo lối xẻ ngực, được trang trí hoa văn chủ yếu ở tay và cổ áo; chiếc váy xếp nếp xòe rộng được trang trí hoa văn sáp ong, thêu và ghép vải màu. Phụ nữ Mông trắng mặc áo xẻ ngực không có cúc được trang trí hoa văn ở cổ áo và tay áo; quần ống rộng, đặc biệt họ dùng rất nhiều thắt lưng được tạo hoa văn bằng cách thêu và ghép vải màu, đội khăn thành hình chóp có gắn nhiều quả bông màu đỏ, hồng rực rỡ. Phụ nữ Mông đeo rất nhiều đồ trang sức nhất là hoa tai và vòng cổ. 


Đàn ông của đồng bào Mông ở Sơn La đều có nét chung là bộ trang phục đều là màu đen, áo bó, cúc vải, quần thụng. Nhiều vùng còn trang trí quanh vạt áo bằng những chùm đồng bạc trắng.

Trang phục dân tộc Mường

Dân tộc Mường chủ yếu cư trú ở các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ. Y phục phụ nữ của người Mường ở Sơn La chia thành 02 vùng:

- Vùng Mộc Châu, Vân Hồ: Phụ nữ mặc áo ngắn, có yếm bên trong, váy đen dài từ ngực đến gót chân, cạp váy thêu hoa văn hình học, hình con rồng và hình các loại chim muông khác…


- Vùng Phù Yên, Bắc Yên: Trang phục phụ nữ Mường có sự giao thoa đậm nét với trang phục Thái với chiếc áo ngắn chỉ ôm gọn phần ngực được may bằng vải bông kẻ ca-rô nhiều màu, cài khuy hình cầu, chiếc váy dài màu đen không trang trí hoa văn. Phụ nữ Mường dùng nhiều đồ trang sức: Hoa tai, xà tích, vòng tay, vòng cổ... đội khăn màu trắng. Nam giới là bộ quần áo cánh mầu nâu hoặc mầu chàm, may theo lối bà ba.

Trang phục dân tộc Dao



Dân tộc Dao chủ yếu ở cư trú chủ yếu ở vùng cao các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên và Quỳnh Nhai. Người Dao ở Sơn La có 03 ngành: Dao tiền, Dao đỏ và Dao quần chẹt. Trang phục của người Dao mang đậm bản sắc và phân biệt rõ nét giữa các ngành Dao.

Phụ nữ Dao tiền với chiếc áo xẻ ngực không cài cúc, được thêu hoa văn hình học, dấu thập ngoặc, dấu ấn Bàn Vương ở nẹp áo, thân và tay áo, ngày thường họ mặc một áo, vào những ngày lễ, tết, cưới họ mặc từ 3-7 áo; chiếc khăn đội đầu bằng vải chàm cũng được thêu hoa văn ở hai đầu khăn, chiếc váy xòe xếp nếp được in hoa văn bằng sáp ong.

Phụ nữ Dao đỏ mặc áo xẻ ngực, xẻ tà dài, có yếm bên trong, chiếc khăn đội đầu có thêu nhiều hoa văn và gắn nhiều quả bông đỏ sặc sỡ, họ mặc quần rất ngắn được thêu hoa văn ở hai ống quần.

Phụ nữ Dao quần chẹt mặc áo dài may theo lối xẻ ngực không cài cúc, áo được trang trí hoa văn đơn giản ở gấu, nẹp và ống tay áo, chiếc yếm được thêu hoa văn dày đặc. Người Dao cũng dùng nhiều đồ trang sức: Vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai, trâm cài đầu… trang phục đàn ông người Dao (trừ Dao tiền có áo thêu giống như phụ nữ), áo may theo lối bà ba bằng vải chàm.


0 bình luận

Viết bình luận của bạn