Nhạc cụ dân tộc

Nhạc cụ dân tộc

Đàn tính huyện Quỳnh Nhai (Tính Tẩu)


Đàn tính là một loại nhạc cụ truyền thống của người Thái trắng, có hộp cộng hưởng bằng quả bầu. Quả bầu được chọn phải là quả già, tròn đều thì âm thanh mới hay. Cần đàn được làm bằng một loại gỗ nhẹ không cong vênh. Đàn tính được sử dụng để độc tấu, hòa tấu hoặc đệm hát cho một số làn điệu dân ca, điệu múa trong những ngày vui, lễ hội của bản.

Khèn bè của người Thái huyện Yên Châu


Khèn bè của người Thái (huyện Yên Châu) được cấu tạo bởi 14 ống nứa. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn được làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm.

Khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết hay ngày hội đón Xuân, là dụng cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của dân tộc Thái.

Khèn dân tộc Mông


Khèn dân tộc Mông có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này xuyên qua một bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với một ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có một lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm.

Nhạc cụ thường giành cho nam giới sử dụng trong những cuộc vui, lễ hội hay lúc đi từ nhà đến chợ. Khèn là một loại nhạc cụ giao duyên giữa các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, đặc biệt tại chợ tình Mộc châu diễn ra vào ngày 2-9 hàng năm.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn