Những năm gần đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vai trò trong việc định hướng, hỗ trợ và liên kết nâng cao hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 13 về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 600 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 82% tổng số HTX trên địa bàn, với gần 8.000 thành viên; trong đó 50% số HTX hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, số còn lại hoạt động sản xuất cây trồng, vật nuôi. Các HTX đã tích cực đổi mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào quá trình sản xuất, chú ý nhu cầu người tiêu dùng; doanh thu bình quân của HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/tháng; 49 HTX nông nghiệp có sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 3-5 sao.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Các HTX nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, một số thành viên HTX nông nghiệp đã đầu tư vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh, nâng cao chất lượng dịch vụ, theo phương thức vừa là thành viên của HTX nông nghiệp vừa là chủ trang trại, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên khác trong HTX. Ngoài ra, thông qua các HTX nông nghiệp, nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đã phát triển theo hướng hàng hóa, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tham gia tích cực vào chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tới thăm HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, với sản phẩm chủ lực là cây chè, các hộ dân đã tham gia liên kết sản xuất, HTX cung ứng giống, nông dân sản xuất theo quy trình của HTX nên năng suất, sản lượng luôn ổn định. Hàng năm, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm, nông dân luôn được đảm bảo lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, thông tin: HTX hiện có 9 thành viên đang liên kết với trên 400 hộ dân trồng và chăm sóc chè, HTX thường xuyên sử dụng 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con và sản xuất 500 tấn chè khô cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Bình quân mỗi năm doanh thu của HTX đều đạt trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của tỉnh, huyện và Liên minh HTX, HTX được hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Chè Trọng Nguyên” và đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Là một trong những HTX nông nghiệp có quy mô lớn của huyện Yên Châu, HTX nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, hiện có 37 thành viên, với gần 50 ha xoài tròn. Trước đây, diện tích xoài tròn chủ yếu do người dân trồng tự phát, nhỏ lẻ, nên đa phần bị thoái hóa, sâu bệnh. Năm 2017, HTX đã liên kết với các hộ dân có vườn xoài cổ thụ đầu tư cải tạo, hướng dẫn cắt ghép lại giống đầu dòng, sau hơn 1 năm, toàn bộ diện tích xoài cổ thụ đã phục hồi, phát triển tốt và bắt đầu cho sản phẩm.
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX, thông tin: Để duy trì và mở rộng diện tích xoài tròn và ổn định đầu ra, HTX thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên kỹ thuật chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng diện tích xoài già cỗi; triển khai mô hình trồng mới giống xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho thành viên tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xoài tròn Yên Châu tới người tiêu dùng. Trung bình mỗi vụ, HTX thu mua và giúp bà con tiêu thụ trên 50 tấn quả xoài tròn, với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX còn phát triển sản phẩm “Xoài sấy dẻo” đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, mỗi gói xoài sấy dẻo 350-500g có giá bán 250.000-300.000 đồng, giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với sản phẩm xoài tươi.
Các HTX nông nghiệp trên địa bàn đang phát triển ở mức độ khác nhau, nhưng đã dần trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người lao động. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, cần nâng cao năng lực quản trị, xây dựng, quảng bá thương hiệu, duy trì quan hệ đối tác; phát triển HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
0 bình luận