Hang A Phủ là tên gọi gắn với tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của cố nhà văn Tô Hoài. Trong tác phẩm, nhân vật Mỵ và A Phủ bỏ trốn khỏi kiếp trâu ngựa ở nhà Thống lý Pá Tra. Trên đường đi, họ đã dừng chân trú ẩn tại đây một thời gian để tránh sự lục soát của bọn tay sai nhà Thống Lý. Tình yêu mãnh liệt đã đưa họ vượt qua khó khăn, theo ánh sáng của Đảng đến với khu du kích Phiềng Sa tham gia phong trào cách mạng. Sau này, tác phẩm đã được các nhà làm phim xây dựng thành kịch bản bộ phim cùng tên sản xuất năm 1969, công chiếu rộng rãi trên truyền hình. Theo lịch sử, hang A Phủ nằm trong khu căn cứ kháng chiến 99 gồm các xã: Song Pe, Hang Chú, Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Chim Vàn, Hồng Ngài. Theo lời kể của các già làng trong bản, do nằm xa trung tâm huyện, với địa hình phức tạp, rừng rậm bao quanh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây được Đại đội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn đóng quân và cất giữ vũ khí trong 2 ngày để tìm cách vượt sông Đà, chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Chi bộ Pắc Pắc (Bắc Yên) đã vận động nhân dân tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi giấu các chiến sĩ đảm bảo an toàn, bí mật.
Hang A Phủ còn được gọi là hang Thẳm Cốp, theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là hang Ếch, bởi phía đông của hang giống như miệng một con ếch đang đớp mồi. Hang nằm trong dãy núi U Bò, thuộc bản Hồng Ngài, xã Hồng Ngài, thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Xung quanh hang là rừng nguyên sinh, khí hậu thoáng đãng, mát mẻ. Trước cửa hang là nương rẫy của bà con nhân dân trải dài. Hang gồm 2 cửa, nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông nhau, chia thành 3 khoang. Chiều dài hang khoảng 200 mét, cửa phía Tây cao 2 mét, rộng 1.5 mét; lối vào hang nhỏ, hẹp, ít ánh sáng. Càng đi sâu, lòng hang càng mở rộng, trần hang cao trung bình từ 20-40 mét, rộng 15-30 mét. Nền hang gồ ghề, hơi dốc, có nhiều hòn đá nằm rải rác. Dùng đèn pin chiếu ngược lên trần hang, thấy có nhiều nhũ đá đẹp, hình dạng khác nhau... Khoang thứ 2 và 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10-15 mét, sức chứa 30 đến 40 người. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông, cửa hang hình bầu dục, cao khoảng 50-60 mét, chiều rộng 20 mét, giữa cửa hang phình ra rộng 30 mét. Ngoài ra, cách hang Thẳm Cốp khoảng 20 mét về phía Nam có một hang nước. Cửa vào hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5 mét. Đường xuống hang dốc, nhiều tầng, hang tối, có độ rộng khoảng 7 mét, cao trung bình 10-12 mét, chỗ thấp nhất chỉ cao 4-5 mét. Dưới nền hang là một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông, nước mát lạnh.
Hang A Phủ là hang đá tự nhiên, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn học, di tích cần được gìn giữ, bảo vệ và phát huy trong giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để bảo vệ hang A Phủ, chính quyền xã Hồng Ngài đã tuyên truyền vận động nhân dân canh tác nương không lấn chiếm, không phá cây cối, không đập phá, lấy nhũ đá trong hang; tổ chức lực lượng dân quân tự vệ làm đường bậc thang từ chân núi lên hang. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều khách du lịch liên hệ, thông qua xã đến tham quan.
Quê hương “ Vợ chồng A Phủ” nay đã có nhiều đổi mới, cuộc sống của người dân dần khấm khá hơn. Tiếp nối câu chuyện về vợ chồng A Phủ và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân nơi đây luôn một lòng tin theo Đảng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiện nay, hang A Phủ đã được huyện Bắc Yên quy hoạch trở thành điểm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch thu hút du khách đến tham quan.
0 bình luận